EU giải quyết hành vi Tẩy xanh (Greenwashing) bằng Chỉ thị mới về cam kết xanh

Hội đồng Liên minh Châu Âu đã thông qua lập trường về Chỉ thị cam kết xanh, nhằm giải quyết hiện tượng greenwashing và trao quyền cho người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt và thân thiện với môi trường. Chỉ thị này nêu rõ các yêu cầu tối thiểu để chứng minh, truyền đạt và xác minh các cam kết, nhãn hiệu vì môi trường mà các công ty tự nguyện sử dụng khi quảng bá sản phẩm xanh của họ.

  

Chỉ thị về các cam kết xanh: Hội đồng châu Âu sẵn sàng đàm phán với Nghị viện Châu Âu

Hội đồng đã thông qua lập trường về cách tiếp cận chung về chỉ thị các tuyên bố xanh, nhằm giải quyết vấn đề greenwashing (Tẩy xanh) và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thực sự “xanh hơn” khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ.

Người tiêu dùng cần các tuyên bố về môi trường đáng tin cậy, có thể so sánh và kiểm chứng được để đưa ra các quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy hơn một nửa số tuyên bố về môi trường cung cấp thông tin mơ hồ, gây hiểu lầm hoặc không có căn cứ.

Chỉ thị đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho việc chứng minh, truyền đạt và xác minh các tuyên bố vì môi trường rõ ràng.

“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận quan trọng để chống lại greenwashing bằng cách thiết lập các quy tắc yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ và dựa trên bằng chứng về các đặc tính môi trường của sản phẩm và dịch vụ. Mục tiêu của chúng tôi là giúp người dân châu Âu đưa ra các lựa chọn xanh có cơ sở”- Alain Maron, Bộ trưởng Chính phủ Vùng Thủ đô Brussels, chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tham vấn công chúng cho biết.

Đề xuất mới này đặc biệt nhắm vào các tuyên bố về môi trường bằng văn bản hoặc lời nói và các nhãn dán về môi trường mà các công ty sử dụng khi tiếp thị về “sản phẩm xanh” của họ và bao gồm các tác động, khía cạnh hoặc hiệu suất về môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ. Nó cũng áp dụng cho các kế hoạch “nhãn môi trường” trong hiện tại và tương lai.

Phương pháp tổng quát mà Hội đồng EU đưa ra xác định rõ ràng sự khác biệt giữa các tuyên bố về môi trường và nhãn môi trường (nhãn dán, biểu tượng thể hiện thông tin về môi trường), nhằm xác định rõ ràng các nghĩa vụ, trách nhiệm mà các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân theo cho từng loại, bao gồm các yêu cầu chung áp dụng cho cả hai.

Các tuyên bố rõ ràng và được dựa trên bằng chứng

Các công ty nên sử dụng các tiêu chí rõ ràng và bằng chứng khoa học mới nhất để chứng minh cho các tuyên bố và nhãn dán của họ. Hơn nữa, theo phương pháp tổng quát được đưa ra, các tuyên bố và nhãn dán môi trường nên rõ ràng và dễ hiểu, với một tham chiếu cụ thể đến các đặc điểm môi trường được đề cập (chẳng hạn như độ bền, khả năng tái chế hoặc đa dạng sinh học).

Xác minh trước và đơn giản hóa thủ tục

Chỉ thị này duy trì nguyên tắc cơ bản của việc xác minh trước các tuyên bố môi trường và nhãn dán môi trường, như đã được quy định trong đề xuất của Ủy ban EU. Điều này có nghĩa là bất kỳ tuyên bố xanh nào cũng phải được xác minh bởi các chuyên gia độc lập của bên thứ ba trước khi được công bố.

Đồng thời, chỉ thị giới thiệu một thủ tục đơn giản hóa để miễn cho một số loại tuyên bố môi trường khỏi việc xác minh của bên thứ ba: các công ty đủ điều kiện nên chứng minh sự tuân thủ của họ với các quy tắc mới bằng cách hoàn thành một tài liệu kỹ thuật. Tài liệu này phải được hoàn thành trước khi tuyên bố được công khai.

Trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ phải tuân theo các quy tắc và phương pháp mà Hội đồng đưa ra, họ cũng sẽ có thêm 14 tháng so với các doanh nghiệp khác để tuân thủ các quy tắc đó.

Một số biện pháp hỗ trợ đã được thêm vào để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, trong suốt quá trình xác minh những thông tin về môi trường. Những biện pháp này bao gồm cung cấp hướng dẫn và công cụ cũng như các biện pháp bổ sung để giảm bớt gánh nặng hành chính, bao gồm hỗ trợ tài chính và đào tạo.

Nhãn môi trường công khai

Công nhận tầm quan trọng của các kế hoạch dán nhãn công khai mang tầm quốc gia hoặc khu vực, các Bộ trưởng đã đồng ý về khả năng thiết lập các chương trình mới và miễn cho những chương trình được điều chỉnh bởi luật EU hoặc luật quốc gia khỏi việc xác minh của bên thứ ba, với điều kiện các chương trình này tuân thủ các thủ tục, tiêu chuẩn của EU.

Theo chỉ thị này của EU, các kế hoạch dán nhãn sinh thái EN ISO 14024 loại 1 sẽ được miễn xác minh nếu chúng được công nhận chính thức tại một quốc gia thành viên và tuân thủ các quy tắc mới. Việc công nhận bởi một quốc gia thành viên sẽ áp dụng cho toàn bộ thị trường EU.

Các tuyên bố liên quan đến khí hậu

EU đưa ra các yêu cầu mới để chứng minh các tuyên bố liên quan đến khí hậu, bao gồm cả những tuyên bố liên quan đến tín chỉ carbon.

Các tuyên bố liên quan đến khí hậu thường dựa trên các tín chỉ carbon được tạo ra bên ngoài chuỗi giá trị của công ty, chẳng hạn như từ các dự án lâm nghiệp hoặc năng lượng tái tạo. Chỉ thị bao gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin về loại và số lượng tín chỉ carbon, và liệu chúng có phải là vĩnh viễn hay tạm thời.

Lập trường của Hội đồng EU

Hội đồng EU phân biệt giữa tuyên bố đóng góp (tín chỉ carbon giúp đóng góp vào hành động vì khí hậu) và Tuyên bố bù đắp (tín chỉ carbon giúp cân bằng khí thải).

Trong các tuyên bố về việc giảm lượng khí thải, các công ty phải chứng minh mục tiêu net-zero và cho thấy tiến độ hướng tới việc giảm phát thải carbon, cũng như tỷ lệ phần trăm của tổng lượng khí thải nhà kính đã được đền bù.

Phương pháp tổng quát mà Hội đồng EU đã thông qua đối với các tuyên bố xanh sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán với Nghị viện châu Âu về bản hoàn chỉnh cuối cùng của chỉ thị. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu trong chu kỳ lập pháp mới.

Giải quyết hiện tượng Tẩy xanh (Greenwashing)

“Chỉ thị về cam kết xanh hứa hẹn sẽ đơn giản hóa các hướng dẫn trong khi yêu cầu các công ty thực hiện cam kết của họ bằng những bằng chứng vững chắc, đặt ra các tiêu chuẩn mới về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng các cam kết và nhãn hiệu vì môi trường và giúp các công ty chứng minh hành động thực sự về khí hậu. EcoAct hoan nghênh các động thái nhằm tăng cường minh bạch và chất lượng trong hành động vì môi trường. Chúng tôi sẵn sàng điều hướng những thay đổi quy định này cùng với khách hàng của mình, dự đoán những điểm nhấn và tác động, bao gồm cả việc xem xét lại tiêu chuẩn Net-Zero của SBTi vào cuối năm 2025” – CEO tại EcoAct nhấn mạnh.

Trong một cuộc khảo sát Eurobarometer gần đây, 90% người châu Âu đồng ý rằng nên có các quy tắc nghiêm ngặt hơn để tính toán tác động môi trường và các tuyên bố về môi trường liên quan.

Ủy ban châu Âu đã công bố đề xuất chỉ thị này, bổ sung cho chỉ thị vừa được thông qua về trao quyền cho người tiêu dùng cho chuyển đổi xanh, vào ngày 22 tháng 3 năm 2023.

Đề xuất này là tiếp nối của cam kết của thỏa thuận Xanh châu Âu nhằm giải quyết các tuyên bố môi trường sai sự thật ở cấp EU. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và sạch ở EU. Chỉ thị này đóng góp vào mục tiêu chung là đạt được sự trung hòa về khí hậu ở EU vào năm 2050.

Sau thông tin rằng Hội đồng EU đã công bố lập trường của mình về chỉ thị cam kết xanh (GCD), Stuart Lemmon, CEO tại EcoAct, chia sẻ với FashionUnited: “Với lập trường của Hội đồng EU về chỉ thị cam kết xanh (GCD) được công bố, chúng ta đang ở dấu mốc của những thay đổi quan trọng trong cách xác thực và truyền đạt các cam kết về môi trường. Trong khi hầu hết các công ty không cố ý tham gia vào hiện tượng “Tẩy xanh”, nhiều công ty cảm thấy khó khăn trong việc điều hướng từng bối cảnh về chính sách, hướng dẫn và thực hành tốt nhất về môi trường.”

Bài: Phạm Tú Anh (dịch)

Nguồn:Hội đồng châu Âu https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/06/17/green-claims-directive-council-ready-to-start-talks-with-the-european-parliament/

FashionUnited https://fashionunited.com/news/fashion/eu-tackles-greenwashing-with-new-green-claims-directive/2024061760433

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *