Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới”

Ngày 31/05/2024, tại TP. HCM, Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn Văn hóa kinh doanh (VHKD) với xu hướng tiêu dùng mới. Đây là dịp để đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, chuyên gia, cộng đồng nhân, doanh nghiệp trao đổi về những vấn đề liên quan và đề xuất, kiến nghị về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh trong tình hình mới. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tham dự và phát biểu tham luận.

 Phát biểu khai mạc, Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI chia sẻ, trong nền kinh tế hội nhập ngày nay, VHKD là yếu tố gắn liền với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, đó là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Điều này tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, để xây dựng nền văn hóa tiêu dùng thích ứng với nền kinh tế thì chúng ta cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Vũ Đức Giang cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm 2024 là 15,8 tỷ USD. Ngành dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn cầu. Định hướng phát triển của ngành dệt may hiện nay dựa trên 3 trụ cột: đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng.

Về những giải pháp hoàn thiện môi trường VHKD trong tình hình mới, Ông Giang cho rằng có 3 xu thế: Thứ nhất là thúc đẩy xây dựng thương hiệu riêng, đảm bảo nhất quán về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới. Thứ hai là đáp ứng các yêu cầu cao về tái chế, thân thiện môi trường, truy soát nguồn gốc … của các thị trường lớn và thứ ba là định hướng phát triển an toàn, xanh, bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo…

 

Toàn cảnh diễn đàn

Tham luận của các đại biểu trình bày tại diễn đàn phản ánh những vấn đề thời sự của đời sống, những yêu cầu trong việc xây dựng VHKD, nâng cao giá trị hàng Việt; Văn hóa trong thương mại điện tử, kỷ nguyên công nghệ số; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên ESG hướng tới người tiêu dùng thông minh mới; Áp dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng công nghệ số trong kinh doanh; Phát huy yếu tố văn hóa và tinh thần dân tộc trong cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; VHKD quốc tế, luật kinh doanh mới. Qua đó, tạo dựng nên uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với thị trường quốc tế.  

Nhiều ý kiến của các đại biểu chia sẻ và đồng tình về việc VHKD đóng vai trò then chốt trong việc giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh quốc tế. Không chỉ vậy VHKD còn góp phần nâng tầm, nâng cao sức cạnh tranh của bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Xây dựng VHKD là một yêu cầu cần thiết và cấp bách. Ở mỗi thời kỳ, có những xu hướng đặc trưng xuất hiện và định hình quyết định của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần phải linh hoạt, thích ứng nhanh, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng của xã hội, từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh và khẳng định được dấu ấn văn hóa khác biệt của doanh nghiệp mình, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Bình 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *