Italia được biết đất là quốc gia với nền công nghệ dệt may tiên tiến và chất lượng sản phẩm cao, trong khi Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh và tinh thần liên tục đổi mới. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp hai bên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Buổi hội thảo cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức, giúp doanh nghiệp hai nước tìm ra giải pháp hợp tác hiệu quả và bền vững.
Ngài Marco Della Seta – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Italia tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Ngài Marco Della Seta – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Italia tại Việt Nam – nhấn mạnh ngành dệt may là một trong những lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Italia, đóng góp quan trọng vào kim ngạch thương mại song phương. Năm 2023, giá trị xuất khẩu dệt may của Italia sang Việt Nam đạt 309 triệu USD (chiếm 17,3% tổng xuất khẩu của Italia), trong khi nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 335 triệu USD. Hai bên liên tục có những sáng kiến, dự án hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa sản xuất, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất bền vững để bảo vệ môi trường.
Ông Laurent Franciosi, Phụ trách Phát triển thị trường quốc tế, Quỹ Tín dụng Quốc gia Italia (CDP) chia sẻ: CDP luôn tích cực hỗ trợ cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Từ tháng 10/2023, nền tảng kết nối doanh nghiệp trực tuyến CDP Business Matching được thêm ngôn ngữ tiếng Việt, với mục tiêu đưa nền tảng đến gần hơn với doanh nghiệp Việt và thúc đẩy trao đổi, tương tác giữa thị trường Việt Nam và Italia.
Bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trong phần phát biểu đại diện cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Hiện Italia là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam ở EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN. Việc Liên minh châu Âu đưa ra Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, cũng như quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải nắm vững những quy định, thông tin mới, đồng thời trang bị thêm công nghệ và không ngừng cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Mauro Badanelli, Trưởng Bộ phận Kinh tế và Truyền thông, Hiệp hội các Nhà sản xuất Máy Dệt Italia (ACIMIT) chia sẻ những thành tựu về giảm phát thải trong lĩnh vực dệt may tại Italia. Bên cạnh đó, ông cho biết Việt Nam là thị trường mà Italia đặc biệt quan tâm và có định hướng phát triển, hợp tác lâu dài. Hiệp hội đã tổ chức nhiều phái đoàn từ Italia đến tìm hiểu thị trường Việt Nam, đồng thời đón các đoàn Việt Nam đến học hỏi, tham quan tại Italia. ACIMIT cũng đặc biệt chú ý nâng cao năng lực nguồn lao động tại nước sở tại thông qua việc hợp tác với Trường Đại học Bách khoa ĐHQG-HCM và hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, nghiên cứu của trường trong lĩnh vực dệt may.
Về công cụ hỗ trợ tiếp cận thị trường Việt Nam, ông Pietro Loy Donà, Chuyên viên đầu tư cấp cao từ Quỹ Tín dụng Quốc gia Italia (CDP), đại diện Tổ chức tín dụng SIMEST (trực thuộc CDP) – ông Carlo de Simone và ông Flavio Castri, Đại diện Tập đoàn Hỗ trợ Tín dụng Xuất khẩu SACE tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên chiến lược của các tổ chức này. SIMEST và SACE đã và đang có nhiều kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Italia thâm nhập và tìm kiếm đối tác địa phương tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Hiện SACE đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam trong khi SIMEST cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để lập văn phòng đại diện tại Việt Nam trong năm 2024.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công tại thị trường Việt Nam, ông Andrea Galante, Chủ tịch công ty Madex, cho biết Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh, có thể kể đến như thể chế ổn định, quy trình hải quan thông suốt, chuỗi cung ứng minh bạch và đáng tin cậy, lực lượng lao động linh hoạt với năng suất cao, chất lượng sản phẩm cạnh tranh v.v. Hiện Madex là công ty may mặc Italia duy nhất có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, và với những hoạt động hỗ trợ từ các tổ chức như SIMEST và Sace, ông hy vọng sẽ có thêm nhiều công ty dệt may Italia đặt nhà máy ở đây.
PGS. TS. Bùi Mai Hương, Trưởng Phòng quản trị thương hiệu – Truyền thông, giảng viên Phụ trách Trung tâm Công nghệ Dệt Ý-Việt (dự án hợp tác giữa chính phủ Italia, Thương vụ Italia (ITA) và Trường Đại học Bách khoa ĐHQG-HCM), cho biết nhờ những công nghệ, kiến thức và máy móc thụ hưởng từ Italia, Trung tâm có thể nghiên cứu những dòng sản phẩm mới, như là vải dệt từ xơ vỏ cau, xơ dứa, xơ tre, xơ lá chuối v,v. Các thiết bị từ dự án cũng hỗ trợ tích cực cho việc đào tạo hơn 300 sinh viên hệ cử nhân và thạc sĩ ngành dệt may của trường, góp phần nâng cao năng lực lực lượng lao động trong lĩnh vực này tại khu vực miền Nam Việt Nam.
Bà Sara Pelizzoli, đại diện công ty Dệt và Nhuộm Hưng Yên (HYKD), cho biết công ty tự hào kế thừa những kỹ thuật dệt may cao cấp của Italia và cả những tiêu chuẩn khắt khe về dệt may tuần hoàn và phát triển bền vững. Đây là hướng phát triển cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nếu muốn tiến vào thị trường quốc tế.
Phát biểu bế mạc, ông Riccardo Honorati Bianchi, Phụ trách Bộ phận Hỗ trợ Sáng kiến Hệ thống Quốc gia CDP, Điều phối viên Nền tảng kết nối giao thương CDP Business Matching, cho biết hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia nền tảng miễn phí này. CDP sẽ tiếp tục có những hoạt động tích cực thúc đẩy giao thương Việt Nam – Italia, và sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may giữa hai nước ngay sau hội thảo hôm nay.